Không còn "trốn trách nhiệm": CSGT sẽ gửi thông báo đến chủ xe trong vòng 2 tiếng sau vi phạm

Trang Trang
Thứ năm, 10/07/2025 13:10 PM (GMT+7)
A A+

Tình trạng "nhờn luật" ở người điều khiển xe máy sẽ bị siết chặt khi CSGT triển khai giải pháp truy xuất chủ phương tiện và gửi thông báo vi phạm qua VNeID, phần mềm của CSGT hoặc công an xã.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2025, cả nước ghi nhận hơn 9.300 vụ tai nạn giao thông, khiến hơn 5.200 người thiệt mạng và 6.200 người bị thương. 

Dù giảm ở cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái, lực lượng chức năng khẳng định không thể chủ quan, và đang xây dựng nhiều kế hoạch hành động quyết liệt nhằm kiểm soát từ gốc tình trạng vi phạm giao thông.

Ba mục tiêu trọng tâm của lực lượng cảnh sát giao thông

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) - cho biết, trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ kiên quyết và kiên trì thực hiện ba mục tiêu lớn.

Đầu tiên là giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, bằng việc kết hợp đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, xử lý vi phạm đến cải thiện hạ tầng và phương tiện.

Mục tiêu thứ hai là xây dựng lực lượng CSGT phù hợp với giai đoạn phát triển mới, nhất là trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bắt đầu vận hành.

canh-sat-xu-ly-giao-thong-166444

Đồng thời, lực lượng CSGT sẽ đóng vai trò trong việc bảo đảm "mạch máu" giao thông thông suốt, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo bốn Nghị quyết đột phá - "Bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị ban hành.

Mục tiêu thứ ba là tham mưu cho phát triển hạ tầng và loại hình vận tải. Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình dẫn chứng một chuyến xe vận tải đường bộ từ Tiền Giang ra biên giới phía Bắc mất đến 12 ngày, cho thấy cần có những phương thức vận tải hiệu quả hơn như đường sắt và đường thủy để giảm chi phí và áp lực cho giao thông đường bộ.

Xe máy vi phạm sẽ bị gửi thông báo trong vòng 2 tiếng

Một trong những điểm mới sắp được triển khai là việc gửi thông báo vi phạm trong vòng 2 tiếng, kể cả với xe máy - phương tiện vốn lâu nay bị xem nhẹ trong quản lý xử phạt.

Cơ quan chức năng sẽ xác định chủ xe máy vi phạm qua dữ liệu đăng ký, đồng thời yêu cầu người bán, cho tặng xe phải thực hiện sang tên đúng quy định. Việc "trao tay" không sang tên sẽ không còn được chấp nhận, và chủ xe phải chịu trách nhiệm.

canh-sat-xu-ly-giao-thong-2

Thông báo vi phạm sẽ được gửi qua ứng dụng VNeID, phần mềm của CSGT, hoặc thông qua công an xã để đến trực tiếp chủ phương tiện.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình cho biết sẽ thành lập đội chuyên trách xử lý xe máy vi phạm. Sau khi xác minh chủ xe qua dữ liệu đăng ký, thông báo sẽ được chuyển đến trong vòng 2 giờ, nhằm ngăn chặn tình trạng "nhờn luật" phổ biến hiện nay.

Tăng cường quản lý giao thông từ gốc

Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, muốn đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiệu quả phải giải quyết tận gốc.Trước hết, người tham gia giao thông phải được trang bị kiến thức pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương. 

Cùng với đó là việc xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm như sử dụng ma túy, uống rượu bia khi lái xe, chở hàng quá tải, quá khổ,...

Tại các đô thị lớn, ông cho rằng việc chống ùn tắc phải bắt đầu từ công tác quy hoạch. Việc phân làn giao thông cần có căn cứ rõ ràng, được thông tin minh bạch để người dân nắm bắt, đồng thời phải đi kèm với hệ thống giám sát hiệu quả.

hoc-sinh-17156715601461013682320

Ông dẫn chứng trường hợp phân làn trên một số tuyến đường ở Hà Nội thời gian qua, do chưa có hệ thống giám sát đồng bộ nên lực lượng cảnh sát giao thông phải làm việc vất vả để hướng dẫn và xử lý vi phạm.

Theo Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đến từng địa phương, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn.

Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với công an cấp xã đến trực tiếp từng địa bàn dân cư để tuyên truyền bằng những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Song song đó, công tác tuyên truyền tại các trường học cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và giám sát việc chấp hành luật giao thông của học sinh, sinh viên.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm