Cuộc đua giữa các mẫu ô tô Trung Quốc như Jaecoo J7 và BYD Sealion 6 đang làm nóng thị trường Việt Nam. Hai mẫu xe này ra mắt gần như cùng lúc và cạnh tranh cả về giá bán, công nghệ lẫn khả năng vận hành.
Nội dung chính
Thị trường xe gầm cao tại Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động rõ rệt trong vài tháng trở lại đây, một phần đến từ thế trận cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ trực tiếp.
Hai hãng xe Ford và Mazda liên tiếp triển khai các chương trình giảm giá sâu và ưu đãi tài chính nhằm kéo mức giá thực tế của Ford Territory và Mazda CX-5 xuống sát ngưỡng 700 triệu đồng.
Trong khi đó, Jaecoo J7 và BYD Sealion 6 - hai mẫu xe PHEV đến từ Trung Quốc - cũng đang trở thành tâm điểm chú ý khi ra mắt gần như cùng lúc và cạnh tranh trực tiếp cả về giá bán, công nghệ lẫn khả năng vận hành.
Cuộc đua tiết kiệm xăng, đi xa của ô tô PHEV
Jaecoo J7 và BYD Sealion 6 đều sử dụng hệ truyền động plug-in hybrid, kết hợp giữa động cơ xăng truyền thống và mô-tơ điện cùng bộ pin có khả năng sạc từ nguồn điện ngoài.

Sự khác biệt đầu tiên giữa hai mẫu xe đến từ con số trên giấy. BYD Sealion 6 được công bố có thể di chuyển quãng đường thuần điện lên tới 92 km trong một lần sạc đầy, còn thông số tương ứng trên Jaecoo J7 PHEV là 106 km.
Khi kết hợp cả xăng và điện, Sealion 6 có thể đạt phạm vi hoạt động khoảng 1.200 km, trong khi Jaecoo J7 PHEV vượt trội với quãng đường di chuyển trên 1.300 km.
Thậm chí, trong một thử nghiệm thực tế trên cung đường Hà Nội - Quy Nhơn do chính Jaecoo tổ chức, chiếc J7 đã đi được gần 1.500 km chỉ với một lần sạc và đổ đầy bình xăng, trong đó có đến 160 km vận hành hoàn toàn bằng điện.
Đây là kết quả rất đáng chú ý, bởi nó cho thấy khả năng vận hành tiết kiệm nhiên liệu ấn tượng của xe PHEV trong điều kiện sử dụng thực tế tại Việt Nam. Cụ thể, Jaecoo J7 PHEV đạt mức tiêu hao trung bình khoảng 3,6 lít/100 km cho toàn hành trình.

Vì sao xe PHEV lại tiết kiệm nhiên liệu?
Không chỉ là một hình thức bổ sung điện năng cho động cơ truyền thống, công nghệ PHEV mang đến sự tối ưu về hiệu suất năng lượng nhờ nhiều yếu tố kết hợp.
Điển hình là dung lượng pin lớn, như trên Jaecoo J7 PHEV là 18,3 kWh, cao gấp nhiều lần so với các mẫu hybrid truyền thống như Corolla Cross chỉ dùng pin khoảng 1,3 kWh. Nhờ vậy, xe có thể vận hành thuần điện trong nhiều tình huống, đặc biệt là khi di chuyển trong đô thị hoặc ở tốc độ thấp.
Hệ truyền động của xe PHEV cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa động cơ xăng và động cơ điện, tùy thuộc vào điều kiện vận hành thực tế. Mô-tơ điện thường được ưu tiên sử dụng ở tốc độ thấp, trong khi động cơ xăng hỗ trợ ở tốc độ cao hoặc khi cần tăng tốc nhanh.
Đồng thời, xe được tích hợp phanh tái sinh, giúp thu hồi năng lượng khi xe giảm tốc hoặc phanh để sạc lại pin, từ đó cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng.

Ngoài ra, động cơ xăng trong các mẫu xe PHEV thường được thiết kế với hiệu suất nhiệt cao hơn.Ví dụ, Jaecoo J7 PHEV đạt hiệu suất nhiệt tới 44,5%, trong khi mức trung bình trên xe truyền thống chỉ khoảng 30-40%. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn nhiên liệu được chuyển hóa thành công suất thực tế thay vì bị thất thoát dưới dạng nhiệt năng.
Một điểm đáng lưu ý khác là khả năng hoạt động của xe PHEV ngay cả khi không được sạc điện. Trong trường hợp này, xe vẫn vận hành như một mẫu hybrid thông thường (HEV), khi động cơ xăng đảm nhận vai trò phát điện và cung cấp năng lượng cho mô-tơ điện.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ tăng cao hơn so với khi pin được sạc đầy. Mặc dù vậy, các thử nghiệm thực tế cho thấy cả Jaecoo J7 PHEV và BYD Sealion 6 đều vẫn vận hành mượt mà, tiết kiệm và êm ái ở dải tốc độ từ 0-120 km/h mà không cần sạc ngoài.

Cần thời gian để khẳng định
Dù sở hữu nhiều ưu điểm về tiết kiệm nhiên liệu, khả năng vận hành linh hoạt và thân thiện môi trường, xe PHEV vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ với người tiêu dùng Việt Nam.
Rào cản lớn nhất không chỉ đến từ thói quen tiêu dùng và nhận thức công nghệ, mà còn từ hệ sinh thái sạc điện chưa thực sự phổ biến tại các đô thị và đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, việc hai mẫu xe đến từ Trung Quốc là Jaecoo J7 PHEV và BYD Sealion 6 cùng ra mắt gần như đồng thời, đi kèm mức giá dễ tiếp cận dưới 1 tỷ đồng, đã góp phần mở ra một phân khúc mới và tiềm năng cho thị trường ô tô Việt.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa hai "tân binh" này không chỉ tạo lựa chọn cho người tiêu dùng mà còn buộc các hãng xe khác phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng điện hóa.